Việc tiết kiệm không phải dễ dàng với hầu hết mọi người, đặc biệt khi bạn có gia đình. Thất bại trong việc tiết kiệm sẽ dẫn đến hậu quả:
Vướng phải nợ nần
Phải tiếp tục làm công việc mà bạn không hề ưa thích
Không thể có quỹ dự phòng khẩn cấp
Bỏ lỡ cơ hội kinh doanh hoặc cơ hội khác trong đời vì không có sự chuẩn bị về tài chính
Ra quyết định tài chính để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn chứ không phải quyết định chiến lược mang tính tổng thể
Không thể giúp đỡ những người thân xung quanh về mặt tài chính
Việc căng thẳng về vấn đề tiền bạc vô tình có thể ảnh hưởng tâm lý lâu dài lên những đứa trẻ sống cùng bạn.
Giả sử trong trường hợp gia đình bạn có mức thu nhập cao hoặc khá nhưng vẫn không thể tiết kiệm, dưới đây là 4 nguyên nhân và những giải pháp chúng tôi đưa ra:
1. Không kiểm soát chi tiêu
Nếu bạn không thể tiết kiệm, là do bạn không biết mình đã chi tiêu những gì và tiền đã đi đâu.
Do đó giải pháp là nên bắt đầu bằng việc ghi chép lại lịch sử chi tiêu, rà soát sao kê thẻ chi tiêu, thẻ tín dụng để nắm được những lỗ hổng cũng như các khoản chi lớn không cần thiết.
Phân loại khoản chi nào là chi tiêu thiết yếu, khoản nào là chi tiêu hưởng thụ.
Điều chỉnh lại mức chi tiêu theo công thức: 50-30-20: có nghĩa 20% thu nhập sẽ được chuyển vào tài khoản tiết kiệm hàng tháng trước, sau đó 30% có thể dành cho các khoản chi tiêu theo nhu cầu, và cuối cùng 50% còn lại cho các chi tiêu thiết yếu như Thực phẩm, điện, nước, xăng xe, điện thoại...
2. Các khoản chi cố định lớn
Có đôi khi việc không tiết kiệm được đến từ những khoản chi cố định hàng tháng lớn mà chúng ta thường nghĩ đó là đương nhiên nên không chú ý đến. Ví dụ, khoản chi cho căn nhà đang ở. Nếu căn nhà bạn đang ở quá lớn so với nhu cầu gia đình, chi phí đi kèm cũng lớn theo. Chẳng hạn phí dịch vụ, tiền điện nước hàng tháng, hoặc khoản vay mua nhà vẫn chưa trả hết, hay học phí cho con ở trường gần nhà hơi đắt đỏ. Trong một số trường hợp, thay đổi chỗ ở có thể giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền mỗi tháng, và không khí gia đình cũng sẽ bớt căng thẳng hơn vì giảm được áp lực về tiền bạc.
3. Mục tiêu tiết kiệm không có hoặc nghe rất nhàm chán
Trong khi các quảng cáo tràn ngập âm thanh màu sắc khuyến khích chúng ta tiêu tiền, thì cụm từ “Tiết kiệm” nghe thật kém hấp dẫn và “nhàm chán”. Do đó bạn sẽ rất dễ bị cuốn hút và chi tiêu ngay cho “hôm nay” thay vì để dành cho “nay mai”.
Giải pháp là hãy tưởng tượng chi tiết về tương lai hấp dẫn mà bạn phải chuẩn bị hoặc nỗi sợ hãi (nếu có) trong tương lai mà bạn không muốn gặp phải.
Ví dụ bạn muốn có căn nhà rộng rãi với khoản tiền lớn khi nghỉ hưu, hoặc tương lai đầy đủ cho các con hay có đủ tiền để báo hiếu cha mẹ khi cha mẹ già yếu.
Mục tiêu “không nhàm chán” sẽ giúp bạn bỏ qua được những lời mời gọi hấp dẫn và tập trung tiết kiệm cho tương lai.
4. Tiền trả nợ lớn
Nếu bạn có những khoản nợ lãi suất cao như nợ thẻ tín dụng, hay trả góp chi tiêu tiêu dùng, hãy tập trung trả nợ trước, nếu không số tiền bạn kiếm được sẽ bị những khoản trả nợ lãi suất âm thầm gặm nhấm và khó tiết kiệm.
Nếu bạn muốn có ai đó lắng nghe về tình hình chi tiêu gia đình mình và đưa ra khuyến nghị nhằm cải thiện số tiền tiết kiệm hàng tháng cũng như các vấn đề tài chính gia đình khác, cố vấn tài chính tại Harie&Partners luôn sẵn lòng hỗ trợ.
Nguồn: Harie&Partners
Comments